Tăng tính hấp dẫn cho khu công nghiệp, khu kinh tế

  02/02/2023

Quảng Ninh xác định địa bàn KCN, KKT là một trong những động lực tăng trưởng, phát triển mới. Bên cạnh những doanh nghiệp có hiệu quả đầu tư tốt, tỉnh đang tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi, tăng sức hấp dẫn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư vào địa bàn KCN, KKT.

UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án hơn 2.700 tỷ đồng tại khu vực Đầm Nhà Mạc (KKT ven biển Quảng Yên).

Dòng vốn liên tục chảy vào Quảng Ninh

Năm 2022, trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraina, tuy nhiên với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của tỉnh, công tác thu hút đầu tư vào các KCN, KKT vẫn đạt những kết quả tích cực. Tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách cả năm ước đạt 89.026 tỷ đồng, bằng 65,2% so với năm 2021. Trong đó cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) 9 dự án trong nước, tổng nguồn vốn 32.850 tỷ đồng, 19 dự án FDI, tổng nguồn vốn 622,6 triệu USD; phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư 39 dự án trong nước, tổng nguồn vốn 35.841 tỷ đồng.

Nổi bật, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh (tháng 7-2022) với chủ đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, đã có những biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư gần 2 tỷ USD vào Quảng Ninh. Trong số đó, Công ty CP Hóa dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima của Nhật Bản) ký thỏa thuận với chủ đầu tư KCN Bắc Tiền Phong giữ 7,6ha đất tại Lô đất CN5 để phát triển hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn, vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.

Lễ ký kết bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án tại KCN Bắc Tiền Phong tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022.

Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2022, Ban Quản lý KKT tỉnh đã trao giấy CNĐKĐT cho Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong đầu tư xây dựng, cho thuê văn phòng, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn, dịch vụ kho bãi, logistics, tổng vốn đầu tư 20,5 triệu USD.

Ông Michael Chan, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong, chia sẻ: “Giống như những nhà đầu tư khác, chúng tôi rất cẩn trọng khi chọn địa điểm đầu tư và Quảng Ninh chính là điểm đến hội tụ mọi yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, chúng tôi lựa chọn KCN Bắc Tiền Phong là KCN được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, có triển vọng phát triển dài hạn”.

Lễ giao nhận 7,4ha tại Lô đất CN2 giữa chủ đầu tư hạ tầng KCN Bắc Tiền Phong với Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong, ngày 6-9-2022.

Gần đây nhất, ngày 1-9-2022, tại khu vực Đầm Nhà Mạc (KKT ven biển Quảng Yên), UBND tỉnh đã trao giấy CNĐKĐT cho 2 dự án, tổng vốn đầu tư trên 2.700 tỷ đồng, gồm: Dự án nhà máy sản xuất điện tử Quảng Yên của Công ty TNHH Điện tử Quảng Yên, diện tích 33ha, tổng vốn đầu tư 1.467 tỷ đồng, sản xuất tai nghe Bluetooth không dây, loa cho điện thoại di động; Dự án xây dựng nhà máy phụ tùng động cơ máy nông nghiệp của Công ty TNHH Công nghiệp chế tạo Quảng Yên, diện tích 27,6ha, tổng vốn đầu tư 1.248 tỷ đồng.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn chung, nhưng Quảng Ninh vẫn duy trì được sức hút mạnh mẽ những dòng vốn FDI chảy vào địa bàn. Điều này không có gì ngạc nhiên khi Quảng Ninh có hạ tầng giao thông, kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại; con người cởi mở, thân thiện; chính quyền liêm chính, trách nhiệm, cầu thị, vì mục đích phát triển chung của tỉnh và đất nước.

Chiến lược phát triển mới

Trong Quy hoạch định hướng phát triển các KCN, KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh hiện có 16 KCN, 5 KKT. Để đảm bảo những KCN, KKT này là trụ cột trong tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, Quảng Ninh đang lập và triển khai Đề án “Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040” trình BTV Tỉnh ủy ban hành nghị quyết.

Đối với KKT ven biển Quảng Yên, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng, liên kết phát triển chặt chẽ với các trung tâm kinh tế khác trong tỉnh cũng như trong hệ thống các KKT ven biển; phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này khoảng 14-15%/năm, quy mô GRDP khoảng 2,6 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người khoảng 29-30 nghìn USD. Đến năm 2040, phát triển KKT ven biển Quảng Yên là đô thị hiện đại, đáng sống, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, trung tâm giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN, Việt Nam và Đông Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8-9%/năm.

Khu Công nghiệp Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên).

Đối với KKT Vân Đồn, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại… Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 29%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 23%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2040, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đối với KKT cửa khẩu Móng Cái, đến năm 2030, phát triển trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, năng động trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới; phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đến năm 2030 trên 10%/năm, quy mô GRDP khoảng 7,48 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt 22.000 USD; đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trên 6%/năm.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên (KKT Vân Đồn) được khánh thành ngày 30-10-2022.

Đối với các KCN, định hướng phát triển theo các nhóm ngành nghề ưu tiên, trong đó tập trung nhóm ngành dệt – may, thời trang, công nghiệp sản xuất điện năng tại KCN Cảng biển Hải Hà; công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô tại KCN Việt Hưng; công nghiệp hậu cần cảng biển, logistics và công nghiệp hỗ trợ tại KCN Đầm Nhà Mạc và KCN Cảng biển Hải Hà; công nghiệp sản xuất chế tạo thiết bị điện – điện tử tại KCN Đông Mai; hình thành và phát triển KCN – Đô thị – Dịch vụ Amata tại KCN Sông Khoai.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh sẽ thực hiện rà soát đối với các KCN đã đi vào hoạt động, như KCN Cái Lân, KCN Hải Yên, KCN Việt Hưng giai đoạn 1, từ đó xây dựng lộ trình loại bỏ những dự án không còn phù hợp với định hướng phát triển các KCN (công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hàm lượng giá trị gia tăng thấp…); thu hút các dự án đầu tư mới sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, nhân lực, nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn, có sức cạnh tranh toàn cầu.

Tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành, nghề đầu tư trong các KCN trên địa bàn để thu hút các dự án phát triển công nghiệp gắn với chuỗi giá trị trong nước, khu vực và quốc tế; phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đang hoạt động đến năm 2030 đạt trên 75%, đến năm 2040 đạt trên 90%.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

×

FanPage

HVACR Vietnam